10 Lỗi IELTS Speaking Mà Các Bạn Hay Mắc Phải

10 Lỗi IELTS Speaking mà các bạn hay mắc phải

1.Những khoảng lặng

Ngay cả khi giao tiếp bằng… Tiếng Việt, chúng ta cũng có thể gặp phải những khoảnh khắc ấp úng, không biết nói gì tiếp theo, có thể là vì bí từ hoặc quá căng thẳng. Trong giao tiếp bình thường thì không sao, nhưng trong phòng thi IELTS thì một khoảng lặng dài quá 5 giây sẽ bị đánh giá không tốt lắm. Thay vì liên tục “Ờm, À, Ừ” thì bạn có thể thay thế bằng cách nói “câu giờ” như

That’s a tough / difficult question. Let me think for a second/moment
That’s a very interesting question. Let me see
It’s very difficult to know exactly, but perhaps…

2. Học thuộc lòng

Examiner sẽ rất dễ để ý thấy nếu bạn cố đọc một câu trả lời đã được học thuộc lòng, và sẽ có điểm trừ cho vấn đề này. Khi nào thì bạn sẽ bị “bắt bài”? Đó là khi bạn nói bằng văn phong thường dùng trong các bài luận, ngữ điệu thiếu tự nhiên, hoặc đôi khi còn lái câu hỏi sang một câu hỏi khác mà họ đã học thuộc đáp án (điều này rất dễ xảy ra với những bạn ôn tủ theo topic, vấn đề là, có thể cùng thuộc một topic nhưng câu hỏi trong trí nhớ của bạn và câu hỏi được examiner đưa ra lại có điểm khác nhau nào đó)

Khi học tủ một vài câu hỏi nào đó, thì khả năng bị “tủ đè” khá là cao, thay vào đó thì hãy luyện nhiều topic thường được ra, từ đó có kiến thức nền và từ vựng tốt để khi vào phòng thi câu hỏi nào cũng ứng biến được bạn nhé ^^

ielts-speaking

3. Sử dụng các từ chuyển tiếp quá đà

Các từ như First / For example / On the other hand… khá hữu dụng, tuy nhiên nếu bạn ‘nhồi nhét’ quá nhiều từ chuyển tiếp như vậy vào trong bài thì điểm số của bạn có thể giảm xuống. Ngoài ra có một số từ khá “formal” như furthermore, moreover and in addition rất hiếm khi được sử dụng trong văn nói, nếu đưa vào sẽ khiến bài viết của bạn nghe kém tư nhiên hơn.

4. Hỏi ngược lại examiner

Bài thi Speaking là nơi để bạn trả lời các câu hỏi của examiner thay vì đặt câu hỏi cho họ. Thế nếu gặp đúng topic mà bạn thật sự không có kiến thức thì sao? Thay vì hỏi ngược lại examiner “I don’t know, what do you think?” (mà sau đó examiner cũng sẽ khéo léo đặt lại câu hỏi đó cho bạn thôi), bạn có thể chỉ cần nói “I’m afraid I know nothing about this topic” và chờ đợi câu hỏi tiếp theo của examiner.

5. Không hỏi examiner

Ở trên mình vừa nói không nên hỏi examiner, giờ lại nói có thể hỏi examiner là sao nhỉ? Không có gì mâu thuẫn đâu nhé, việc nhờ examiner nhắc lại câu hỏi khi không nghe rõ, hoặc hỏi một từ nào đó trong câu hỏi nghĩa là gì đều hoàn toàn được phép. Đây là bài thi Speaking chứ không phải Listening, ngay cả với người bản xứ mà cũng nhiều khi không hiểu ý nhau cơ mà, thế nên không có gì phải ngại cả, chỉ là bạn không nên lạm dụng nó thôi.

6. “Nhại lại” câu hỏi

Một ví dụ cho việc “nhại lại” câu hỏi một cách máy móc, đó là khi examiner hỏi “What’s your favourite sport to watch on TV” và câu trả lời của bạn là “My favourite sport to watch on TV is basketball”. Tiêu chí chấm điểm của bài nói dựa trên việc bạn có thể truyền tải nội dung một cách phong phú hay không, cũng việc việc paraphrase các từ và cấu trúc một cách nhanh chóng. Thay vì lặp lại gần như toàn bộ câu hỏi, bạn có thể đáp một cách đơn giản: “I’m always watching basketball on TV

7. “Tôi không biết” (I don’t know…)

Có nhiều cách hay hơn để nói rằng bạn không rõ về chủ đề gì đó, thay vì nói “I don’t know”, bạn có thể hỏi trực tiếp “Could you say that again, please?” hoặc “Do you mean…?” để thể hiện rằng mình cũng hiểu phần nào câu hỏi.

speaking ielts

8. Cần phải có giọng Anh-Anh hay Anh-Mỹ thì điểm mới cao?

Thực tế thì có ti tỉ thí sinh chẳng sở hữu accent nào trong hai giọng nói trên, thế mà vẫn đạt Band 9 đó thôi? Quan trọng không phải là bạn có accent “chuẩn” hay không, mà là: bài nói của bạn có dễ hiểu không – ví dụ như trọng âm trong câu, âm câm, nối âm, ngữ điệu… Nếu không đạt ở những yếu tố trên thì sở hữu accent “sang chảnh” như quý bà Anh Quốc cũng vậy thôi à 🙂

9. Ngữ điệu đều đều

Kể cả khi có phát âm tốt thì một giọng nói đều đều “cơm nguội” sẽ khiến examiner khó theo dõi những gì bạn nói. Hãy làm phong phú ngữ điệu, tông giọng, độ lớn của giọng và cả tốc độ nói của mình để nhấn mạnh được những điểm quan trọng trong bài nói, vì ngay cả với các examiner – những người có nhiệm vụ là lắng nghe thí sinh một cách chăm chú – thì một bài nói đều đều không điểm nhấn cũng có thể phần nào ảnh hưởng đến điểm Coherence của bạn.
Để có một ngữ điệu “lên bổng xuống trầm” thu hút, bạn có thể xem các video TED Talk để học tập, vừa luyện nói vừa được mở rộng vốn từ nữa, quá là “nhất cử lưỡng tiện” đúng không nào ^^

10. Ngữ pháp và Sự trôi chảy – “Bên trọng bên khinh”

Trong bài thi IELTS Speaking thì ngữ pháp và độ trôi chảy của bài nói đều quan trọng như nhau, vậy nhưng nhiều bạn vì quá chú trọng vào ngữ pháp mà khiến bài nói trở nên mất tự nhiên, từ đó điểm trôi chảy (fluency) giảm xuống. Một phần cũng là do cách học ở Việt Nam từ trước tới nay luôn chú trọng ngữ pháp hơn cả.

Vậy làm thế nào để cải thiện điều này? Bạn hãy thử ghi âm lại các bài nói của mình, lần đầu chỉ chú trọng vào ngữ pháp thôi nhé. Khi nghe lại, bạn có nhận thấy rằng tốc độ nói của mình chậm một cách rất gượng gạo không? Nếu có thì hãy thử ghi âm lại nội dung ấy lần nữa, nhưng bây giờ thì đừng nghĩ nhiều về ngữ pháp quá, chỉ làm sao cho bài nói ở tốc độ như lúc… bắn Tiếng Việt là được.

Bằng cách kiểm tra lại liên tục như vậy, bạn vừa có thể rà soát lại các lỗi ngữ pháp, vừa luyện nói trôi chảy hơn nữa chứ ^^