IELTS Writing quả thực không khó, nhưng khá nhiều bạn lại loay hoay hoài ở điểm 6.0 mà không thể lên cao điểm hơn được. Có một số lỗi phổ biến sau, các bạn tham khảo cho kỹ nhé.
Contents
1. Không viết phần tổng quan một cách rõ ràng
Một bài luận tốt cần có đoạn tổng quan rõ ràng – một đoạn văn ngắn không chứa số liệu mà mô tả cho người đọc biết 2 đến 3 đặc điểm chính về chart, graph, table,… Trong Tiêu chí chấm điểm Task 1, để đạt được Band 7, thí sinh cần phải “trình bày phần tổng quan rõ ràng về các xu hướng chính, những sự khác nhau hoặc các giai đoạn”. Muốn “chạm tay” tới Band 7 hoặc cao hơn thế, các bạn hãy nhớ “chăm chút” cho đoạn nhận xét chung đủ ý và mạch lạc nhé.
2. Viết tất cả mọi thứ
Mọi câu hỏi Academic Task 1 đều ghi: “Summarise the information by selecting and reporting the main features…”, nghĩa là “Hãy tóm tắt thông tin bằng cách chọn lọc và trình bày các đặc điểm chính”. Rất nhiều thí sinh cố viết về tất tần tật mọi chi tiết, thông tin mà họ thấy. Sai lầm này không đem lại gì cho bạn ngoài một bài viết Task 1 lộn xộn, cho thấy rằng bạn hết sạch quỹ thời gian làm bài, hoặc tệ hơn là làm quá giờ rồi thất bại luôn trong việc hoàn thành cả Task 2. Bạn biết không, vấn đề ở đây chính là “sự ưu tiên”. Ví dụ đối với phần tổng quan, chỉ cần cho giám khảo chấm thi biết 3 điều về biểu đồ và sự chọn lọc đó giúp bạn viết phần tổng quan một cách hiệu quả hơn rất nhiều.
3. Phức tạp hóa câu hỏi
Dĩ nhiên khi đi thi, bạn chưa từng thấy biểu đồ trong đề bài bao giờ và chỉ có 20 phút để mô tả nó mà thôi. Biểu đồ đơn giản hơn bạn nghĩ đấy. Vậy nên đừng cố tóm lấy tất cả chi tiết, chỉ cần tập trung vào cái gì diễn ra từ đầu đến khi kết thúc thôi. Nói chung là, một cái lên, một cái xuống và một cái thì tương đối ổn định phải không nào? Đơn giản thế thôi! Nếu tập trung mô tả 3 xu hướng chủ yếu như vậy thì bạn có thể đi đúng hướng, nhưng cực kì nhiều thí sinh (đặc biệt là những bạn có trình độ cao) thì nghĩ rằng như thế là quá sơ sài và lại cố gắng tìm kiếm thật nhiều chi tiết để trình bày trong bài.
4. Không sắp xếp ý logic
Cách logic nhất để lên dàn ý cho Task 1 là:
- Paragraph 1– Introduction (Giới thiệu)
- Paragraph 2– Overview of main features (Nhận xét chung về các đặc điểm chính)
- Paragraph 3– Details of main features 1 (Mô tả chi tiết các đặc điểm 1)
- Paragraph 4– Details of main features 2 (Mô tả chi tiết các đặc điểm 2)
Ví dụ bạn có trong tay một bài làm xứng đáng band 9, đưa nó cho người lạ xem và có thể họ chỉ cần đọc một lần rồi vẽ được biểu đồ đơn giản theo những gì đã được đọc. Bạn thấy đấy, viết và sắp xếp các ý một cách logic giúp người đọc hiểu mọi thứ rất dễ dàng.
5. Mô tả dữ liệu thiếu chính xác
Một sai lầm phổ biến là nhiều bạn thường cố sử dụng ngữ pháp hoặc từ vựng mà thậm chí bản thân còn chưa chắc chắn. Hãy nhớ rằng việc mô tả các xu hướng chính và sự thay đổi của dữ liệu đòi hỏi cấu trúc ngữ pháp cũng như từ vựng phải thật chính xác, hoặc là bạn sẽ đối mặt với nguy cơ để mất điểm. Nhưng đồng thời, bạn cũng nên tránh việc mô tả dữ liệu theo kiểu “chính xác tuyệt đối” nhé.